Giới thiệu chung
1. Địa lý
Quảng Ngãi là một xã thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam.
Xã Quảng Ngãi nằm ở phía nam huyện Cát Tiên, có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp huyện Đạ Tẻh
- Phía tây giáp thị trấn Cát Tiên
- Phía nam giáp tỉnh Đồng Nai
- Phía bắc giáp xã Nam Ninh.
Xã Quảng Ngãi có diện tích 21,48 km², dân số là 3.181 người, mật độ dân số đạt 148 người/km².
2. Lịch sử
Xã Quảng Ngãi được thành lập vào ngày 6 tháng 3 năm 1984 trên cơ sở một phần diện tích và dân số của xã Đồng Nai cũ[1]. Khi mới thành lập, xã trực thuộc huyện Đạ Huoai.
Ngày 6 tháng 6 năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 67-HĐBT[4]. Theo đó, chia xã Quảng Ngãi thành hai xã Quảng Ngãi và Tư Nghĩa.
Cùng ngày, huyện Đạ Huoai được chia thành 3 huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên[5]; các xã Quảng Ngãi và Tư Nghĩa chuyển sang trực thuộc huyện Cát Tiên mới thành lập.
Trước khi sáp nhập, xã Quảng Ngãi có diện tích 7,48 km², dân số là 1.739 người, mật độ dân số đạt 232 người/km². Xã Tư Nghĩa có diện tích 14,00 km², dân số là 1.442 người, mật độ dân số đạt 103 người/km².
Ngày 17 tháng 12 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 833/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020)[3]. Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Tư Nghĩa trở lại xã Quảng Ngãi.
3. Khí hậu:
Những đặc trưng nổi bật của khí hậu khu vực như sau:
Khí hậu nhiệt đới gió mùa, cận xích đạo; nhiệt độ trung bình từ 25 - 280C, Tổng tích ôn đới khoảng từ 9400 - 97000 khá thích hợp cho việc sản xuất nông nghiệp, đầu tư tăng năng xuất cây trồng vật nuôi.
Lượng mưa: Xã nằm ở vị trí trực tiếp đón gió mùa Tây Nam nên lượng mưa hàng năm cao: 2500 - 2800 mm, cường độ mưa lớn phân bổ không đều tạo ra hai mùa mưa và khô rõ rệt, mùa mưa từ tháng 4 - 11, lượng mưa chiếm từ 90 - 95%, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 03 năm sau, lượng mưa ít chiếm khoảng 5 - 10% lượng mưa.
Gió: Có hai hướng gió chính: gió mùa Đông Bắc xuất hiện và thổi vào mùa khô (từ tháng 11-4), gió mùa Tây Nam thổi vào mùa mưa (từ tháng 5 - 10).
4. Dân cư, dân tộc
- Dân Cư:
+ Dân số năm 2020 là 840 hộ/3.181 khẩu.
+ Tốc độ tăng dân số: Nhìn chung việc tăng dân số ở xã Quảng Ngãi được chính quyền quan tâm, do đó hàng năm tỷ lệ tăng dân số đều giảm. Hiện nay tỷ lệ tăng dân số ở mức 0,47%.
- Dân Tộc: Trên địa bàn xã chủ yếu là dân tộc Kinh 817 hộ/3080 khẩu chiếm tỷ lệ 97,26%, ngoài dân tộc kinh ra còn có rất ít các dân tộc thiểu số như: DT Nùng: 8 hộ/34 khẩu chiếm 0,95%; DT Tày: 11 hộ/49 khẩu chiếm 1,30%; DT Thái: 1 hộ/ 4 khẩu chiếm 0,11 %; DT Khơ me: 1 hộ/ 4 khẩu chiếm 0,11 % ; DT Sán Dìu: 1 hộ/ 4 khẩu chiếm 0,11%; DT Dao: 1 hộ/ 6 khẩu chiếm 0,11%.
- Tôn giáo: Toàn xã có 2 tôn giáo: Phật Giáo có 319 phật tử và Công Giáo có 35 hộ công giáo/158 giáo dân; Còn lại là không tôn giáo.
5. Kết cấu hạ tầng
a. Giao thông: Hệ thống đường giao thông của xã hiện nay cơ bản đảm bảo thuận tiện giao thông đi lại và vận chuyển hàng hóa.
- Đường trục xã, liên xã: Có 03 tuyến đường với tổng chiều dài 10 km. Toàn bộ 10 km các trục đường từ trung tâm xã đến các thôn đều được đầu tư nhựa hoá, bê tông hoá, đạt tỷ lệ 100%.
- Đường trục thôn và đường liên thôn: Có 13 tuyến đường với tổng chiều dài là 14,974 km. Có 13,374 km được cứng hóa, đạt tỷ lệ 89,3%.
- Đường ngõ, xóm: Có 07 tuyến đường với chiều dài 5,296 km, toàn bộ 5,296 km đã được cứng hóa, đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa, đạt tỷ lệ 100%.
- Đường giao thông nội đồng: Có 11 tuyến đường, đã cứng hóa được 8,974 km/11,97 km, đạt tỷ lệ 75%. Đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.
b. Thủy lợi:
- Tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn xã Quảng Ngãi là 02 hồ đập thủy lợi (Hồ Tư Nghĩa, Đập Đạ Riông) và 29 ao, hồ nhỏ với diện tích mặt nước khoảng 65 ha cùng với hệ thống sông suối (sông Đồng Nai, suối V20, suối Đạ Sỵ) dài khoảng 15,5 km chảy qua địa phận xã phục vụ cho việc tưới, tiêu trên địa bàn xã. Tổng số diện tích đất sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp được tiêu chủ động là 827,7/989,3 ha đạt, 83,6%.
c. Ngành nghề: Đặc điểm địa bàn là xã thuần nông, chủ yếu là canh tác nông nghiệp. Nên hầu hết lao động trong độ tuổi đều có việc làm thường xuyên, một số hộ đất ít, nhiều lao động thì đi làm các công ty để tăng thêm thu nhập. Qua khảo sát, đánh giá cho thấy tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động là 1979/2186 người, đạt 90,53%.
d. Văn hóa:
- Nhà văn hóa xã đã được đầu tư xây dựng với diện tích xây dựng là 275,23 m2, được đầu tư hệ thống âm thanh, bàn ghế phục vụ 150 chỗ ngồi đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân toàn xã.
- Sân vận động xã được quy hoạch đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng với diện tích 13.935 m². Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thể dục thể thao, vui chơi, giải trí của nhân dân và thể thao cho trẻ em, người cao tuổi.
- Hiện tại 4/4 thôn trong xã đều có nhà văn hóa và hội trường để tổ chức sinh hoạt, hội họp. 4/4 thôn có khu thể thao tại thôn, đạt tỷ lệ 100%. Cơ sở vật chất văn hoá đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hoá của người dân từ 70 chỗ ngồi/nhà văn hóa trở lên.
- Hàng năm địa phương tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao để người dân vui chơi như giải bóng đá nam, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng... trong các dịp lễ, tết cổ truyền dân tộc.
e. Y tế: Xã đã có trạm y tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân, cơ sở vật chất trạm và phân trạm dần được nâng cấp, các trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh được đầu tư, các chương trình y tế Quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả; công tác vệ sinh môi trường phòng chống bệnh dịch, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng, được triển khai đồng bộ, công tác truyền thông dân số kế hoạch hoá gia đình đã đạt được nhiều kết quả.. Trạm Y tế xã Quảng Ngãi được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế vào tháng 5/2015.
f. Giáo dục: Sự nghiệp giáo dục của địa phương đã có bước phát triển vượt bậc, trường lớp ngày càng được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất dạy và học được đầu tư; đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, ngày càng tăng.
Trên địa bàn xã có 04/04 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, gồm: 01 Trường Mầm non Quảng Ngãi tại thôn 1 (01 phân hiệu trường Mầm non tại thôn 3); 01 Trường Tiểu học Quảng Ngãi tại thôn 1; 01 Trường Tiểu học tại thôn 3 (xã Tư Nghĩa cũ); 01 Trường THCS Quảng Ngãi.
Hiện nay, các trường học trên địa bàn đều đạt phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 2 trở lên và duy trì phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi.
g. Cơ cấu lao động: Là một xã thuần nông, lực lượng lao động chủ yếu tham gia sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và làm kinh tế từ vườn, rừng. Vì vậy tỉ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 80%. Các ngành dịch vụ và lâm nghiệp chiếm 15%, còn lại khoảng 05% là lao động công nghiệp.
h. Thu nhập: Trên địa bàn xã có 01 doanh nghiệp sản xuất tơ tằm, góp phần giải quyết thường xuyên khoảng 70 công nhân lao động và đang mở rộng quy mô sản xuất lên 200 công nhân trong năm 2018. Bên cạnh đó xã Quảng Ngãi đã duy trì sản xuất đối với các diện tích cây dài ngày với tổng diện tích 1028,6 ha; trong đó cây điều 758,88 ha; cây tràm 57,7 ha; cao su 14,8; cà phê 37,9 ha; cây ăn trái 74,3 ha, dâu 55,7 ha; cây trồng khác 3,7 ha, xã có 01 nhà máy ươm tơ và 03 hợp tác xã, gồm: Hợp tác xã dâu tằm với diện tích 55,77 ha, hợp tác xã cây ăn trái với diện tích 73,5 ha và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp, các hợp tác xã thực hiện việc liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm hoạt động có hiệu quả. thu nhập bình quân đầu người được tăng cao, phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt 57 triệu đồng/người/năm; Hộ nghèo hàng năm đều giảm, đến cuối năm 2019, trên địa bàn xã còn 12 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 1,43%. 100% nhân dân trên địa bàn xã sử dụng điện lưới Quốc gia.
i. Thế mạnh của địa phương: Với những điều kiện thuận lợi về tài nguyên đất đai, nguồn nhân lực lao động dồi dào, người dân cần cù lao động, đoàn kết tương thân tương ái. Xã Quảng Ngãi đã và đang từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa dân tộc.
Có nguồn lao động dồi dào, đáp ứng nhu cầu lao động trong xã; Có các tuyến giao thông thuận tiện cho việc giao lưu hàng hoá.
Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất hiện đang được đầu tư xây dựng và ngày một hoàn thiện tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế của xã trong thời gian tới.
Trên địa bàn xã có 01 khu di chỉ khảo cổ học đã được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, hiện nay được công nhận là Bảo tàng, trong tương lai sẽ thuận lợi cho việc phát triển ngành du lịch và dịch vụ.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ ĐỊA PHƯƠNG: