Những phát hiện và phương pháp nghiên cứu mới
Sau một thời gian tích cực triển khai công tác khai quật khảo cổ theo Quyết định số 754 ngày 6/3/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, đoàn khảo cổ thuộc Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, do tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung Kiên - Viện phó chủ trì khai quật đã thực hiện đạt và vượt khoảng 17% khối lượng công việc. Đặc biệt, trong quá trình khai quật đã xuất lộ “Tượng bò thần Nandin”, khối đá hình bầu dục có dạng giống Linga và một số mảnh vàng dát mỏng nằm lẫn trong đất...
Ngày 6/3/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 754 “Về việc khai quật khảo cổ”. Theo đó, Bộ đồng ý cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) khai quật tại Di tích Cát Tiên thuộc xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Thời gian khai quật bắt đầu từ ngày 12/3/2020 đến 12/3/2021. Diện tích khai quật là: 4.050 m2 tại các gò I (A1) II (A2) IV V.
Thực hiện Quyết định này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tiến hành triển khai việc khai quật khảo cổ tại Khu di tích Cát Tiên. Theo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật kiến trúc Gò IV và Gò V, nếu như trong đợt khai quật thứ nhất tại khu vực đỉnh Gò IV đã mở hố khai quật H1 với diện tích 866 m2 (chiều dài hướng Đông - Tây là 44 m, chiều rộng hướng Bắc - Nam là 26 m) thì trong đợt khai quật thứ hai từ tháng 11/2020, diện tích hố khai quật H1 được mở rộng thêm là 1.350 m2 (chiều dài hướng Đông - Tây là 50 m, chiều rộng hướng Bắc - Nam là 30 m) nhằm nhận diện một cách đầy đủ hơn về kiến trúc này, đặc biệt là đường tường bao ngoài cùng. Qua khai quật đã nhận diện được toàn bộ cấu trúc kiến trúc tại Gò IV với các hệ thống tường bao ngoài, tường bao trong, khu vực tiền sảnh và kiến trúc trung tâm. Tính đến ngày 25/1/2021, tổng diện tích đã khai quật tại Gò IV là 1.922 m2, Gò V là 800 m2 và Gò II là 360 m2...
• PHÁT HIỆN MỚI: TƯỢNG BÒ THẦN NANDIN
Theo báo cáo sơ bộ kết quả thực hiện gói thầu khai quật Khu di tích Cát Tiên, do tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung Kiên làm chủ trì khai quật, sau khi nghỉ Tết Nguyên Đán năm 2021, từ tháng 3 đến tháng 9/2021 công tác khai quật tại Khu di tích Gò IV, Gò V, Gò I và Gò II tiếp tục được đơn vị triển khai thực hiện. Tính đến ngày 23/9/2021, đoàn khảo cổ của Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đã tiến hành khai quật tại Gò IV với diện tích 1.922 m2, Gò V là 891 m2, Gò II là 1.157 m2 và Gò I là 785 m2. Trong quá trình xử lý hiện trường, đoàn khảo cổ đã thực hiện đồng thời công tác chỉnh lý hiện vật và hoàn thiện hồ sơ khoa học (bản ảnh, bản vẽ di tích - di vật, báo cáo kết quả khai quật).
Điều bất ngờ thú vị đó là: Tại khu vực Gò IV, trong quá trình khai quật ở hố khai quật H1, đoàn khảo cổ đã phát hiện được một số hiện vật, đặc biệt là Tượng bò thần Nandin (trọng lượng 9 kg, dài 34 cm, ngang 11,5 cm, cao 16 cm) chất liệu đá, khối đá hình trụ và khối đá hình bầu dục có dạng giống Linga (đường kính 10,5 cm; cao 13,5 cm) và một số mảnh vàng dát mỏng nằm lẫn trong đất. Tại khu vực Gò V, qua khai quật đã xuất lộ lại toàn bộ kiến trúc, đồng thời làm rõ một số kết cấu kiến trúc phụ, như: hệ thống tường bao, sàn gạch và đường dẫn. Tại đây, đoàn khảo cổ cũng tìm thấy một số mảnh vàng nhỏ lẫn trong đất. Tại khu vực Gò II, trong quá trình khai quật đã xuất lộ bờ tường bao bên ngoài ở các mặt Nam, Tây và Bắc cùng với tường bao bó chân tháp 2A và 2B. Tại khu vực Gò I, qua khai quật cũng xuất lộ tường bao ngoài phía Đông, Nam và Bắc cùng với 2 kiến trúc phụ dạng nhà dài và đai bó nền kiến trúc chính cùng hệ thống sàn gạch. Theo tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung Kiên, hiện nay, công tác chỉnh lý các hiện vật đã khai quật được cũng như việc thực hiện hồ sơ khoa học đã cơ bản hoàn thành.
Như vậy, về khối lượng công việc khai quật khảo cổ học đã tiến hành theo nội dung gói thầu số 13 tại Khu di tích Cát Tiên đạt 4.755 m2 so với 4.050 m2 khối lượng công việc theo hợp đồng, vượt 705 m2 (khoảng 17%). Theo nhận định của các nhà khảo cổ, thực tế này nhằm giải quyết tốt hơn một số nhận thức khoa học về phạm vi phân bố di tích, đồng thời có thêm căn cứ để tránh những tác động ảnh hưởng đến kết cấu di tích trong quá trình làm mái che bảo vệ di tích ở giai đoạn tiếp theo. Công tác khai quật khảo cổ tại các gò, đền, di tích đã đạt kết quả khả quan, làm xuất lộ các kiến trúc thuộc nhiều loại hình (kiến trúc tôn giáo, tường bao, đường dẫn...) tại các vị trí khai quật, góp phần cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu khảo cổ học, cũng như công tác trùng tu, tôn tạo di tích trong thời gian tới. Để đảm bảo an toàn cho các di tích kiến trúc đã được xuất lộ, sau khi nghiệm thu khối lượng khai quật, đơn vị thi công tiến hành lấp kỹ thuật cho các kiến trúc đã được xuất lộ, tránh tác động của thời tiết trong quá trình chờ làm mái che bảo vệ. Việc lấp kỹ thuật được thực hiện theo giải pháp kỹ thuật đã thống nhất với đơn vị chủ đầu tư trong hồ sơ đề xuất...
• ĐẶT CHIP ĐỂ XÁC ĐỊNH NIÊN ĐẠI CÁC KIẾN TRÚC CỔ
Tiếp sau công tác khai quật khảo cổ, mới đây, trong 2 ngày 22 và 23/9/2022, nhóm nghiên cứu liên ngành gồm một số phó giáo sư, tiến sĩ thuộc Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Khoa học cơ bản và ứng dụng Đại học Duy Tân, Trung tâm Ứng dụng các đồng vị phóng xạ và Phương pháp hạt nhân - Viện Nghiên cứu Hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử), Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đã đến Khu di tích Khảo cổ Cát Tiên tiến hành thu hồi 15 mẫu chip TLD (loại thiết bị dùng để giám sát, ghi nhận bức xạ bằng phương pháp nhiệt phát quang) đã được đặt ở một số di tích kiến trúc vào tháng 10/2020; đồng thời, tiến hành đặt thêm 20 mẫu mới để phân tích và xác định niên đại các kiến trúc cổ tại đây. Tiến sĩ Lưu Anh Tuyên - Phòng Vật lý và Phân tích Hạt nhân - Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh cho hay: Mẫu chip TLD được nhóm nghiên cứu đưa vào đặt tại Khu di tích Khảo cổ Cát Tiên khá hiện đại. Mỗi chip tổng có 10 chip nhỏ, được nhóm nghiên cứu nhập khẩu từ Đức. Đây là hướng tiếp cận và nghiên cứu mới do nhóm nghiên cứu thực hiện tại Việt Nam với độ chính xác khá cao. Trong quá trình thu hồi các mẫu chip, nhóm nghiên cứu chuyên ngành không phải trải qua bất cứ khâu xử lý nào tại hiện trường...
Theo tiến sĩ Lưu Anh Tuyên, nhóm nghiên cứu liên ngành thuộc Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Khoa học cơ bản và ứng dụng, Viện Nghiên cứu Hạt nhân và Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đã cải tiến và phát triển phương pháp nghiên cứu tiên tiến này để nghiên cứu niên đại của các kiến trúc cổ tại một số di tích khảo cổ ở Việt Nam. Cụ thể, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Lưu Anh Tuyên dẫn đầu đã cải tiến phương pháp xác định niên đại phát quang truyền thống trên thế giới bằng cách kết hợp kỹ thuật đo nhiệt phát quang (TLD) liều bức xạ tích lũy với kỹ thuật mô phỏng máy tính và kỹ thuật phân tích trên các phổ kế hạt nhân. Các cải tiến và phát triển về phương pháp bởi các nhà khoa học Việt Nam cho phép xác định chính xác và trực tiếp niên đại của các kiến trúc cổ đa lớp, bất đồng nhất và chồng lấn lên nhau, trong đó tính toán đến các tác động do sự tàn phá của thiên nhiên, con người, quá trình khai quật hay do sự phá hủy bởi chính các triều đại phong kiến.
Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là có thể tiếp cận trực tiếp niên đại của kiến trúc thông qua việc thu thập trực tiếp các mẫu gạch cổ, đặt các chip chuẩn TLD (nhập khẩu từ Đức hoặc Ba Lan) tại chính vị trí lấy mẫu ở hiện trường để xác định liều bức xạ hàng năm (từ 1-2 năm) và liều tích lũy hàng ngàn năm do bị chôn vùi. Tiếp theo đó, các mẫu gạch cổ được nhóm nghiên cứu xử lý và chế tạo thành các chip với mật độ, kích thước tương tự như các chip chuẩn quốc tế để tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên thiết bị đọc liều nhiệt phát quang và các phổ kế hạt nhân (phổ kế gamma phông thấp và huỳnh quang tia X). Trong khoảng thời gian đó, các mô hình về tương tác bức xạ mô phỏng chính xác các vị trí lấy mẫu hiện trường sẽ được chạy trên máy tính để cung cấp các thông số hiệu chuẩn và kiểm chứng các kết quả thực nghiệm. Chính sự kết hợp và cải tiến mới này đã giúp phương pháp có khả năng xác định niên đại các kiến trúc một cách trực tiếp với độ tin cậy cao thay vì phải phụ thuộc vào một phương pháp gián tiếp truyền thống mà giới khảo cổ trong nước và quốc tế phải thực hiện là phương pháp Carbon phóng xạ - Carbon-14 (xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, định tuổi bằng đồng vị carbon hay định tuổi bằng carbon-14...). Một ưu điểm nổi bật nữa của phương pháp này là nó có thể phân biệt tốt các lớp kiến trúc chồng, chập lên nhau trong cùng một quần thể kiến trúc chung, do các triều đại phá hủy và xây dựng nối tiếp trên nền móng cũ hoặc phát triển thêm từ kiến trúc chưa hoàn chỉnh.
Tiến sĩ Lưu Anh Tuyên khẳng định: Các kết quả nghiên cứu của nhóm đã được tiến hành đồng thời, độc lập và so sánh với các kết quả của các nhà khoa học Nhật Bản, từ đó cho thấy tính phù hợp và độ tin cậy cao. Do vậy, trong thời gian tới, đây sẽ là một hướng nghiên cứu rất mới ở Việt Nam, do các nhà khoa học Việt Nam cải tiến, phát triển và làm chủ. Những nghiên cứu như vậy rất quan trọng về ý nghĩa lịch sử, văn hóa cũng như cung cấp các thông tin quan trọng liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia mà các thế hệ tiền nhân đã dày công xây dựng và gìn giữ.